Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

Dưới thời Mạc phủ, giữa tầng lớp Võ sĩ và tầng lớp thường dân có sự phân biệt sâu sắc. Võ sĩ ra sức lộng quyền, coi nông dân và thị dân như những kẻ tội phạm. Chúng còn đặt ra luật “chém trước, xử sau”. Theo luật này, người dân chỉ cần có biểu hiện trái ý Võ sĩ là lập tức bị hành quyết tại chỗ. Tính mạng của dân không khác gì sâu bọ, cho sống thì được sống, bảo chết là phải chết.
Ngược lại, nông dân và thị dân lúc nào cũng phải cúi lạy nhường lối tránh chỗ cho Võ sĩ dù chẳng có quan hệ, duyên nợ gì. Ngựa mình nuôi nhưng bị cấm cưỡi. Thật đáng căm giận.
Mối quan hệ giữa Võ sĩ và thường dân là quan hệ “giữa cá nhân với cá nhân” mà đã bất công đến như vậy, thử hỏi quan hệ giữa chính phủ và nhân dân là quan hệ giữa “tập thể và tập thể” sẽ như thế nào? Các bạn hãy cùng tôi xem xét.
Có thể nói: mối quan hệ giữa chính phủ và nhân dân còn tệ hại hơn nhiều. Không chỉ chính quyền trung ương Mạc phủ, mà tại các địa phương, các lãnh chúa đều lập ra chính phủ con trên lãnh địa mình cai quản, mặc sức hà hiếp bóc lột dân chúng, mọi quyền con người của người dân đều không được thừa nhận. Thi thoảng lắm, các lãnh chúa ra vẻ từ bi đưa ra một vài chính sách tử tế (thực ra chỉ khi bị các lãnh chúa vùng khác âm mưu thôn tính lãnh địa của mình thì họ mới làm thế), nhưng cũng chỉ nhằm mị dân nhất thời mà thôi.
Quan hệ giữa chính phủ và nhân dân, như tôi nói ở đoạn trên, chỉ khác nhau ở tình trạng giàu nghèo, mạnh yếu. Còn quyền lợi thì hoàn toàn ngang nhau.
Người nông dân làm ra thóc gạo, nuôi sống con người; người thị dân buôn bán, lưu thông hàng hóa mang lại sự tiện lợi trong cuộc sống. Đó là công việc của bản thân họ.
Mặt khác, chính phủ đặt ra luật lệ, trấn áp kẻ bất lương, bảo vệ dân lành. Đó là công việc phải làm của chính phủ. Để làm việc này, chinh 1phu3 cần nhiều tiền. Nhưng chính phủ lại không tự mình làm ra lúa gạo, không có tiền nong. Vì thế nông dân và thị nộp thuế, nộp thóc, tạo ra nguồn ngân sách cho chính phủ.
Hai phía, dân và chính phủ, bàn bạc cùng nhau thỏa thuận về nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi bên như nêu trên. Quan hệ giữa nhân dân và chính phủ là quan hệ như vậy.
Nộp thóc, đóng thuế, làm theo pháp luật là nghĩa vụ và trách nhiệm của dân.
Thu đủ thóc, đóng thuế, sử dụng đúng và công khai nguồn tài chính, bảo vệ dân là nghĩa vụ và trách nhiệm của chính phủ.
Nếu cả hai phía đều thực hiện đúng nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi bên như ở trên đây thì chẳng có gì để mà nói. Vì hai bên, bên nào bên nấy cũng đều làm đúng bổn phận của mình, chính phủ không làm phiền dân và dân cũng không làm phiền chính phủ.
Không cón cảnh bị “cùm tay, cùm chân” về tinh thần và vật chất.
Trong xã hội Mạc phủ Tokugawa, người ta đã tôn chính quyền thành “Đấng bề trên”. Mỗi đấng bề trên vi hành thì tiền nhà trọ cũng không trả, tiền đò qua sông cũng không thanh toán, tiến công người phục dịch cũng không trao, ngược lại còn đòi hỏi các nơi phải chi tiền rượu chè. Thật là hết chỗ nói. Các lãnh chúa, quan chức chính quyền nghĩ ra đủ trò để tiêu xài, làm cạn kiệt nguồn tài chính. Để tiếp tục có tiền tiêu xài, họ liền đặt ra đủ loại sắc thuế bắt chẹt dân, buộc dân phải đóng góp. Dân chúng kêu ca, họ ngụy biện rằng đó là sự “đền ơn, báo đáp đất nước”.
Cái mà họ gọi là “đền ơn, báo đáp đất nước” là gì? Chắc là họ muốn nói rằng nhờ có chính quyền này mà dân chúng mới được sống thanh bình, yên ổn làm ăn, không phải lo kẻ xấu. Thế nhưng lập ra luật pháp, bảo vệ dân chúng giữ gìn an ninh… là công việc, là nghĩa vụ đương nhiên của chính quyền; không thể coi đó là sự ban ơn, không thể coi đó là lòng tốt rồi bắt dân phải hàm ơn hay báo đáp lại chính quyền. Nếu như chính quyền nghĩ như vậy thì ngược lại người dân sẽ nói rằng: chính quyền phải hàm ơn dân và báo đáp cho dân mới phải, vì chính quyền sống bằng tiền thuế, tiền thóc lúa do dân đóng, cớ sao lại có chuyện ngược đời như thế được?
Thực ra bên nào cũng nhận “ơn” của bên kia. Đó là sự có đi, có lại. Không có đạo lý nào buộc dân phải hàm ơn chính quyền mà chính quyền không phải hàm ơn dân cả.
Vì sao tập quán xấu này vẫn diễn ra trong cuộc sống hằng ngày? Đó là vì chính quyền miệng nói bình đẳng nhưng không hiểu bình đẳng, lợi dụng chênh lệch giàu nghèo, mạnh yếu, sử dụng quyền lực chèn ép quyền lợi của dân lành.
Đã là con người thì phải thường xuyên nhớ rằng: mọi người sinh ra đều bình đẳng về tư cách và quyền lợi. Đây là điều quan trọng nhất. Ở châu  u, người ta gọi là reciprocity, tức là quan hệ co đi có lại, tác động lẫn nhau, lợi ích song phương.
Trong Phần Một, tôi viết tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, có cùng địa vị cùng tư cách có nghĩa là vậy.