Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

Người ta chất vấn tôi như sau:
Hỏi: Trong công cuộc khai hóa văn minh, nên dựa vào chính phủ mà làm thì có lợi hơn không, vì chính phủ có quyền lực?
Đáp: Để khai hóa văn minh, không thể dựa vào chính phủ được. Như tôi đã nói đến trong bài này, trên thực tế nhưng gì mà chính phủ đang làm chưa có hiệu quả. Cũng không chắc tư nhân làm lại có kết quả, nhưng về lý luận nếu có khả năng làm được thì cần thiết phải làm thử. Chưa làm thử mà cứ ngồi lo thành công hay thất bại thì không thể gọi là dũng cảm.
Hỏi: Chính phủ ít nhân tài. Đã thế ông lại khuyên nhân tài rời bỏ chính phủ để làm việc trong khu vực tư nhân thì e rằng việc điều hành đất nước sẽ bị đình trệ?
Đáp: Không phải như vậy, chính phủ hiện thời có quá nhiều nhân tài. Vấn đề là cần tinh giản bộ máy, giảm bớt người thì công việc sẽ trôi chảy. Những người dư ra có thể hoạt động trong khu vực tư nhân. Như thế “bắn một phát trúng hai đích”. Vả lại, rời khỏi chức vụ chứ có phải rời khỏi Nhật Bản để ra nước ngoài sinh sống đâu mà lo. Họ vẫn ở Nhật Bản và làm việc tại Nhật Bản cơ mà. Lo lắng như vậy là thừa.
Hỏi: Việc tập hợp các nhân tài trong khu vực tư nhân ngoài chính phủ như ông kêu gọi, có khác nào lại thành lập nên một chính phủ thứ hai. Nếu thế thì chính phủ hiện tại sẽ ra sao?
Đáp: Đó là cách suy nghĩ hẹp hòi. Chính quyền và nhưng người nằm ngoài chính quyền đều là “tập thể” người Nhật Bản chúng ta cả. Nếu có khác thì chỉ khác về địa vị mà thôi, không phải là kẻ thù của nhau mà là sự hợp tác của các “tập thể” với nhau.
Nếu tư nhân vi phạm luật thì chính phủ có quyền trừng phạt họ.
Hỏi: Ra khỏi chính phủ thì cuộc sống của họ không được bảo đảm, giải quyết vấn đề này như thế nào?
Đáp: Nói như vậy thì không xứng đáng là chí sĩ. Với những người ngày đêm ưu tư, lo lắng cho vận mệnh đất nước, nhất lại là các trí thức, không ai có suy nghĩ tầm thường như vậy. Những người có năng lực thì không lý gì lại không thể kiếm sống được. Làm quan chức hay làm tư nhân đều giống nhau. Cùng một công sức bỏ ra, nhưng quan chức sẽ được chia phần nhiều hơn, nếu nghĩ như vậy thì đó chỉ là thứ suy nghĩ của những kẻ lạm dụng công quỹ một cách bất chính. Thủ đoạn chiếm đoạt, ăn bớt của công không thể là bạn của “Nghĩa thục” chúng tôi.
Tháng Giêng năm Minh Trị thứ bảy.
(tức năm 1874)