Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

Trong Phần Sáu, tôi đã bàn về “Sự quý giá của luật pháp” và đề cập tới “Hai vai trò của quốc dân”. Để bổ sung thêm cho Phần Sáu, trong Phần Bảy này, tôi muốn giải thích kỹ hơn về nhiệm vụ, vai trò đó.
Có thể nói ở mỗi quốc dân, người nào cũng đều có hai vai trò. Thứ nhất là với tư cách của một người dân đứng dưới chính phủ, tức là vai trò làm “khách”. Thứ hai là trên cơ sở mọi người dân trong đất nước thống nhất tự nguyện kết nối thành một công ty mang tên “quốc gia”, đề ra quy định, luật pháp và đưa “quốc gia” vào hoạt động, tức là vai trò làm “chủ”.
Tôi giả dụ thế này. Có một trăm Thị dân định lập công ty thương mại gì đó. Mọi người cùng bàn bạc quyết định thành lập đề ra quy chế nội quy rồi đưa công ty vào hoạt động. Khi đó cả một trăm người đều là chủ nhân của công ty. Dựa vào những điều đã cung nhau quy định, mọi người thống nhất tuân theo nó, khi đó một trăm người đồng thời cũng là nhân viên công ty.
Đất nước giống như công ty, nhân dân giống như nhân viên, mỗi người vừa đứng lên vị trí cai trị vừa đứng trên vị trí duy trì sự cai trị ấy, vừa là chủ vừa là khách.
Đứng trên góc độ là “khách”, mọi quốc dân ai cũng phải tôn trọng luật pháp, đồng thời không được quên rằng “tất cả mọi người đều bình đẳng”. Anh không xâm phạm đến quyền lợi của tôi thì ngược lại tôi cũng không được cản trở quyền lợi của anh. Anh  có niềm vui của anh thì tôi cũng có niềm vui của tôi. Không được chiếm đoạt niềm vui của người ta. Không được cướp của người ta để làm giàu cho nhà mình. Không được giết người, không được thậm thụt mật báo, bới móc dựng chuyện cho người khác. Việc tuân thủ luật pháp, tôi cũng như anh phải tuân theo quy định như nhau.
Luật pháp do chính phủ lập ra, cho dù còn nhiều điểm rắc rối, xa rời thực tế, thì cũng không có đạo lý nào cho phép chúng ta tùy tiện thích thì theo, không thích thì vi phạm. Ngay cả việc đại sự như quyết định chiến tranh, hay ký các hiệp ước ngoại giao cũng đều thuộc thẩm quyền của chính phủ. Quyền hạn đó, vốn dĩ là thỏa thuận với quốc dân và chúng ta đã trao cho chính phủ. Vỉ thế, nếu không can hệ tới đại sự thì không nên tranh luận.
Nếu quốc dân chúng ta quên tinh thần này, kê cả trường hợp cách xử lý của chính phủ trái hẳn với tôn chỉ mục đích của chúng ta đi chăng nữa, chúng ta cũng không nên tranh cãi tùy tiện, không thể xuất pháp từ lợi ích nhỏ mà xóa bỏ thỏa thuận, bạo động khiêu khích gây ra chiến tranh với ngoại bang, như thế nền độc lập của nước ta một ngày cũng không mong giữ nổi.
Điều này cũng giống như ví dụ về công ty thương mại mà tôi đưa ra ở trên. Trong số một trăm thành viên có mười người được chọn vào hội đồng quản trị. Dù bất mãn hay không hài lòng với cách làm của mười người đó thì cũng không vì thế mà chín mươi người còn lại, tự ý làm theo suy nghĩ của riêng mình. Chẳng hạn mười thành viên hội đồng quản trị muốn nhập rượu để bán thì chín mươi người  kia lại muốn nhập gạo về. Bàn bạc đôi co không ai chịu ai, rồi mạnh bên nào bên ấy làm, quên hẳn những điều đã quy định với nhau, thì thử hỏi công việc kinh doanh của công ty sẽ ra sao? Chẳng phải là mọi sự chia rẽ đều dẫn tới tổn thất khiến cho tất cả một trăm người đều phải gánh chịu đó sao?
Vì thế nếu mới chỉ cảm nhận luật pháp còn sai, bất cập thì không thể coi đó là cái cớ để phá bỏ nó. Giả sử sự bất chính, bất cập có là sự thực đi chăng nữa thì phải bình tĩnh kháng nghị, kiên trì kháng nghị đến khi chính phủ phải sửa đổi mới thôi. Khi chính phủ cố tình làm ngơ thì hợp sức lại kiên nhẫn chờ đợi thời cơ.