Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Gần đây, nhóm người thuộc tầng lớp trung lưu trên, tự nhận là phái tiến bộ, cũng như tầng lớp trí thức thuộc nhóm chủ xướng khai hóa, cứ mở miệng ra là khen lấy khen để văn minh phương Tây. Không chỉ trong lĩnh vực học vấn, đạo đức mà từ chính trị, kinh tế đến cả cách thức uống trà, bữa ăn hằng ngày không có gì là người ta không bắt chước sao cho thật giống phương Tây. Ngay cả những kẻ mù mờ về sự tình phương Tây cũng ra sức vứt bỏ những thứ xưa nay của Nhật Bản, nhắm mắt chạy theo cái mới. Chẳng phải là quá vội vàng, quá khinh suất đó sao?
Văn minh phương Tây đúng là hơn hẳn chúng ta, nhưng không có nghĩa là cái gì của nó cũng hoàn hảo cả. Văn minh phương Tây cũng đầy rẫy khiếm khuyết. Phong tục phương Tây không phải thứ gì cũng hay ho. Ngược lại, phong tục Nhật Bản không phải cái gì cũng kém cõi, cũng cổ hủ.
Ví dụ, một anh học trò trẻ tuổi say mê đến mức tôn thờ một ông thầy, cái gì cũng muốn giống thầy, mua sách, săm sửa đủ loại văn phòng phẩm, suốt ngày không rời bàn học. Thấy thầy đêm thức ngày ngủ, anh học trò cũng bắt chước đến nỗi mệt quá lăn đùng ra ốm. Anh học trò cứ một mực tin rằng ông thầy là một học giả hoàn hảo không có điểm yếu, tập quán tốt xấu ở ông thầy không cần biết, cứ thế là bắt chước nên mới ra nông nỗi đó.
Ngày xưa, ở Trung Hoa có nàng Tây Thi xinh đẹp. Dù nàng có nhăn mặt, nhíu mày trông vẫn “phong tình”. Thấy thế nhiều cô gái xấu xí cũng bắt chước nhăn mày. Có lẽ không đến mức phải phê phán các cô gái ấy, nhưng việc ngủ ngày của các học giả thì có “phong tình” gì đâu, chẳng qua là thói nằm ườn mà thôi, sao lại đi bắt chước? Thật là nực cười.
Hiện nay, trong xã hội có không ít kẻ nghèo nàn kiến thức trong số những người mang danh khai hóa, cũng giống như anh học trò trẻ tuổi nọ. Sau đây, tôi xin được so sánh bằng cách đảo ngược phong tục tập quán của Nhật Bản và phương Tây. Xin phó thác vào trí tưởng tượng của độc giả về sự nông sâu trong tư tưởng của các bậc tiên sinh tự phong là người theo chủ nghĩa khai hóa.
Giả dụ, người phương Tây, ngày nào cũng tắm rửa, còn người Nhật Bản cả tháng mới vào thùng tắm một vài lần. Tức thì khai hóa tiên sinh sẽ nói thế này: “Người phương Tây rất vệ sinh. Người Nhật Bản lạc hậu thì khác”.
Người Nhật Bản khi đi ngủ, có thói quen là để bình đựng nước tiểu trong phòng, để ban đêm nếu có đi tiểu thì dùng, hoặc sau khi đi vệ sinh thì không có thói quen rửa tay. Ngược lại, người phương Tây dù đang đêm cũng ra nhà vệ sinh đi tiểu và bao giờ cũng rửa tay sau khi đi vệ sinh. Thầy khai hóa chắc chắn sẽ nói: “Người văn minh rất sạch sẽ. Còn người Nhật chưa được khai hóa bẩn như con nít vậy. Sau này, nếu tiến bộ thì có lẽ người Nhật sẽ du nhập tập quán này của phương Tây”.
Người phương Tây, mỗi lần hỉ mũi đều dùng khăn giấy, xong vứt vào thùng rác. Còn người Nhật khi hỉ mũi dùng khăn mùi soa, rồi giặt đi dùng lại. Thế nào thầy khai hóa cũng lập luận khiên cưỡng về thói quen này trên phương diện kinh tế: “Ở đất nước Nhật bản nghèo tài nguyên, quốc dân cần phải có tính tiết kiệm. Nếu người Nhật ta cũng dùng khăn giấy khi hỉ mũi thì sẽ làm hoang phí tài nguyên gỗ. Vì thế, thôi thà chịu bẩn một chút cũng không sao. Nhờ đó mà sẽ tiết kiệm được nguồn tài nguyên của đất nước”.
Nếu phụ nữ Nhật Bản trang điểm bằng cách cũng đeo khuyên tai hay thắt lưng như phụ nữ phương Tây, chắc thầy khai hóa sẽ mang cả môn sinh lý học ra để phê phán: “Đó là sự nhục nhã của nước Nhật lạc hậu. Vì không biết rằng cái gì tự nhiên thì để tự nhiên có hơn không. Đằng này lại ngu ngốc đeo lủng lẳng ‘hành lý’ trên vành tai, khiến cho cơ thể bị tổn thương. Trên cơ thể phụ nữ, chỗ quan trọng nhất là phần bụng vậy mà lại lấy cái thứ gọi là dây lưng quấn thắt vào đấy. Trông cứ như lưng ong ấy, vừa xấu vừa gây hại cho chức năng mang thai của bụng và sẽ gây nguy hiểm khi sinh đẻ. Cứ tiếp tục thế này, sẽ gây ra nỗi bất hạnh trong gia đình, làm cản trở việc tăng dân số, tức là làm giảm nguồn nhân lực - một yếu tố quan trọng cho sự phát triển của xã hội”.
Ngoài ra, ở phương Tây, nhà cửa khi chủ đi vắng không cần phải cài then khóa chốt vì ít kẻ trộm. Còn Nhật Bản thì phải khóa trong khóa ngoài vẫn không yên tâm. Ngay đến cả cái túi xách tay cũng còn phải khóa. Chắc là ông thầy khai hóa sẽ thở dài thườn thượt, rồi phán: “Công giáo thật vĩ đại, thật tuyệt vời. Còn Nhật Bản thì chung sống với kẻ cắp. Nhật Bản làm sao có thể sánh nổi với phong tục, với sự tự do phương Tây. Nền đạo đức của các nước theo Công giáo thật triệt để”.
Còn nữa. Người phương Tây dùng tẩu hút thuốc. Thầy khai hóa lại than thở: “Kỹ thuật Nhật Bản thật hèn kém. Ngay cả cái tẩu hút thuốc mà cũng chưa phát minh nổi”.
Nếu người Nhật Bản đi giầy Tây, còn người phương Tây đi guốc mộc thì chắc là thầy lại phán: “Người Nhật Bản không biết sử dụng chức năng của các ngón chân nên phải xỏ giầy”.
Nếu canh rong biển, đậu phụ là món ăn của người phương Tây thì không hiểu là thầy khai hóa sẽ còn phán đến đâu. Nếu món lươn nướng, hay trứng hấp cũng được coi là món ăn của người phương Tây thì chắc thầy khai hóa sẽ tâng bốc nó lên thành món ngon nhất thế giới cho mà xem.
Mà thôi, những chuyện như thế không thể kể hết. Tôi xin phép được chuyển sang vấn đề khác, vấn đề tôn giáo.
Giả thử, Đức cao tăng Shinran(1) là người phương Tây và ông Martin Luther(2) là người Nhật Bản. Có lẽ các thầy khai hóa sẽ bình phẩm như sau: “Mục đích của tôn giáo là cứu vớt con người ra khỏi chốn u mê. Nếu có những hành vi như giết người, đi ngược lại với mục đích tôn giáo thì chẳng qua đó là hành động đã xảy ra trước khi họ bàn luận về giáo lý mà thôi. Đức cao tăng Shinran của “phương Tây” thể hiện rất cụ thể mục đích của tôn giáo. Trải qua biết bao cay đắng khổ cực. Đức cao tăng Shinran đã hiến dâng cả cuộc đời cho công cuộc cải cách tôn giáo ở phương Tây. Nhờ đó mà quá nửa dân số phương Tây đã quy y thành tín đồ tông phái Tào động (Sodo Shinran)(3). Cũng do lời dạy cao quý được phổ biến rộng rãi không sót nơi nào nên sau khi Đức cao tăng tạ thế, đã không còn cảnh đầu rơi máu chảy giữa các tính đồ do tranh chấp tôn giáo. Mặt khác, “tại Nhật Bản”, ông Luther là người đi đầu, đã chủ xướng lập ra Tân giáo (Tin lành) khác hẳn với Cựu giáo Roma (Công giáo). Nhưng Cựu giáo không dễ dàng chấp nhận nên dẫn tới các cuộc chinh phạt tàn bạo, liên tiếp xảy ra các cuộc chém giết giữa các tính đồ Cựu giáo và Tân giáo. Ngay cả khi ông Luther qua đời, nhiều ngưởi Nhật Bản vô tội vẫn tiếp tục bị tàn sát, tiền tài vật lực của đất nước cạn kiệt vì các lý do tranh chấp tôn giáo. Các cuộc Thập tự chinh gây ra bao thảm cảnh tàn khóc. Tân giáo do ông Luther chủ xướng cũng mới chỉ cảm hóa dược non nửa dân số Nhật Bản!”
---------------------------
1. Cai tăng Shinran (1173-1262): vị Tổ khai sinh tông phái Sodo (Tào động) Shinran - một tông phái Phật giáo tại Nhật Bản. Ông cho rằng con người quá yếu đuối không thể tự cứu mình trước thiên tai, loạn lạc. Vì vậy chỉ có đức tin tuyệt đối vào đức Phật A-Di-Đà, chú tâm niệm Phật thì mọi người kể cả những kẻ ác nhân phạm tội, sau khi chết sẽ được thác sinh vào cõi Tây phương Cực lạc. Với ông, câu niệm “Nam mô A Di Đà Phật” đã trở thành một cách tỏ lòng biết ơn và niềm tin để cứu nhân độ thế.
2. Martin Luther (1483-1546) vốn là linh mục, tiến sĩ thần học, giáo sư Đại học tổng hợp Wuthenberg ở Đức. Là người dẫn đầu phong trào cải cách đòi xóa bỏ những giáo luật khắc khe, những tín điều ngu xuẩn của giáo hội Roma và xây dựng tôn giáo mới.
3. Tông phái Sodo Shinshu là một tông phái Phật giáo thịnh hành vào nửa cuối thế kỷ XII (thời đại văn hóa Kamakura) tại Nhật Bản. Hai vị khai tổ cho tông phái này là hai thầy trò: Thiền sư Honen (Pháp Nhiên) (1133-1212) và đệ tử Shinran (Thân Loan). Nếu thiền sư Honen chủ trương nhiếp tâm niệm Phật để được vãn sinh vào cõi Tây phương Cực lạc thì đệ tử Shinran phát triển thêm một bước quan niệm của Thiền sư Honen. Đạo tràng chính của tông pháp này đặt tại chùa Honganji (Bản Nguyên tự) ở cố đô Kyoto.
--------------------------
Tôn giáo ở Nhật Bản và Tây  u hoàn toàn khác xa nhau. Từ lâu, tôi vốn nghi vấn về sự khác biệt này. Đâu là nguyên nhân của sự khác nhau đó? Đến nay tôi vẫn chưa tự giải đáp được. Phải chăng bản chất của Thiên Chúa giáo phương Tây và Phật giáo tại Nhật Bản hoàn toàn như nhau? Chỉ có điều là nếu tiến hành ở một nơi lạc hậu, nghèo đói như Nhật Bản thì tự nó sẽ biến thành sự giết chóc; còn nếu tiến hành ở các quốc gia văn minh phương Tây thì tự nó sẽ trở nên ôn hòa. Hay là do giữa Thiên Chúa giáo và Phật giáo vốn có bản chất khác nhau? Hay là do nhân cách của những vị khai tổ - giữa Đức cao tăng Shinran phương Tây và ông Martin Luther của Nhật Bản - hơn kém nhau? Tự tôi không thể vội vã đưa ra kết luận nông nổi được. Vì thế tôi, chờ đợi và hy vọng vào kết luận của các học giả hậu thế.