Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

Những người không tôn trọng phép nước, không thấy sự quý giá của quốc pháp, ngoài mặt luôn tỏ vẻ nghiêm chỉnh, đứng đắn, nể sợ cán bộ công quyền, nhưng bên trong thì ngấm ngầm vi phạm luật pháp mà không chút mảy may hổ thẹn. Họ luôn tìm mọi kẽ hở trong luật để luồn lách, né tránh. Những kẻ giỏi luồn lách luật lại được dư luận khen ngợi là “tài ba”. Họ rất khoái chí khi khoe khoang cùng đồng bọn về thủ đoạn của mình: “Bề ngoài phải làm như thế này. Muốn tránh được luật thì phải thế kia...” Tệ hại hơn, họ còn bí mật móc ngoặc với các công thức, để tạo lợi thế cho họ trong công việc làm ăn. Đổi lại là hai phía cùng chia chác món hời, cùng tham nhũng và giấu nhẹm tội lỗi.
Phải thừa nhận rằng “đại pháp do các đấng bề trên” lập ra có nhiều điểm rất nhiêu khê, phiền phức, thậm chí có khi còn trái hẳn với thực tế, nên mới xảy ra tình trạng như trên. Nhưng, nếu xem xét vấn đề trên góc độ chính trị của một quốc gia thì các vũ việc đó là những tập quán xấu đáng sợ. Một khi coi thường luật pháp, quốc dân đã trở thành những người không trung thực với đất nước, thản nhiên vi phạm luật, dửng dưng trước mọi tội lỗi.
Ví dụ như khi chính quyền đề ra luật “Cấm tiểu tiện không đúng chỗ”. Không ít người trong chúng ta lại coi thường lệnh cấm này, thản nhiên “tè” bậy, miễn sao đừng để cảnh sát trông thấy là được. Bị phát hiện, họ không tỏ ra hối hận nhận mình sai trái, mà lại còn kêu ca “người khác cũng thế sao không bắt, lại chỉ bắt có mình tôi”, rồi tự than vãn cho “cái số không may” của mình.
Tôi chỉ còn biết than Trời trước tình trạng thản nhiên coi thường phép nước như vậy.
Vì thế, chính phủ khi làm luật cần phải đơn giản và rõ ràng. Luật pháp phải được thực hiện nghiêm minh. Mặt khác, quốc dân chúng ta nếu nhận thấy luật đưa ra còn nhiều điểm bất tiện thì phải cùng nhau tranh luận và kháng nghị với chính phủ một cách thẳng thắn, không ngần ngại. Cũng phải hiểu rằng một khi luật đó đang được áp dụng thì trước hết phải chấp hành luật cái đã vì đó là nghĩa vụ của quốc dân.