Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Ngược hẳn với thuyết đã trình bày trên đây, người ta lại đưa ra luận thuyết thế này “con người phải tuân theo và hành động theo sự điều khiển của người trên, bất chấp đúng sai hay thiện ác. Không được phép đưa ra chính kiến của mình”.
Luận thuyết này là đúng hay không? Nếu là đúng thì chắc chắn nó sẽ phổ biến khắp mọi nơi trong xã hội. Vì nếu thế ở Nhật Bản, Thiên hoàng quyền cao chức trọng hơn Tướng quân Tokugawa, nên Tướng quân muốn đi thì Thiên hoàng cũng có thể bảo đứng lại. Mà đã vậy thì Tướng quân sẽ không thể làm bất cứ việc gì theo ý mình. Mọi việc từ chuyện thức ăn, ăn uống nhất nhất phải tuân theo và hành động theo sự điều khiển của Thiên hoàng. Đến lượt mình, Tướng quân lại cai trị các lãnh chúa các vùng theo ý mình. Rồi nông dân cũng không được trái ý Võ sĩ.
Đừng tưởng rằng cứ theo lập luận trên thì thể chế cai trị có thể áp đặt từ trên xuống là được. Thực ra không hẳn đã vậy. Hãy suy nghĩ kỹ lập luận đó xem sao. “Đã là con người thì phải tuân theo và hành động theo sự điều khiển của người trên”.
Cứ theo đà này thì hết thảy người Nhật chúng ta mất hoàn toàn quyền tự quyết cho bản thân. Như thế cũng giống như “hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Cơ thể mình trở thành nơi trú ngụ cho phần hồn của kẻ khác. Phật Bà Quan  m lại trở thành nơi trú ngụ của kẻ giết người. Không thể như thế được. Cái đó có thể gọi là khai hóa văn minh được sao? Ngay đến đứa trẻ lên ba cũng dễ dàng tìm ra câu giải đáp.
Trên đất nước ta, từ hàng nghìn năm trước, các nhà Hán học(1), Nhật học, luôn bàn luận ồn ào về tiêu chuẩn, về việc sắp đặt thứ bậc trên dưới, đẳng cấp sang hèn. Xét cho cùng đó là thủ thuật nhằm hợp pháp hóa việc nhập hồn người ta vào thân xác mình. Được thể, kẻ mạnh ra sức chèn ép người yếu. Lẽ nào các bậc thánh hiền thấy thế cũng sẽ mãn nguyện?