Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Có nhiều thói xấu tồn tại trong xã hội. Trong quan hệ giữa con người và con người thì tham lam là thói tệ hại nhất. Tham lam, xa xỉ, gièm pha là những thói xấu tiêu biểu. Tuy vậy, nếu tìm hiểu kỹ lưỡng thực chất thì dục vọng - nguyên nhân dẫn tới những hành vi như trên - tự nó không hẳn đã là xấu. Bởi vì còn tùy trường hợp, tùy nơi tùy chỗ phát sinh tùy mức độ nặng nhẹ và tùy theo mục đích mà lòng ham muốn đó hướng đến.
Ví dụ, người ta gọi lòng ham muốn tiền bạc là thói tham lam. Nhưng con người thì ai mà chẳng ham muốn, quý trọng tiền bạc. Vì vậy, bản thân việc thỏa mãn nhu cầu về tiền bạc không phải là điều đáng phê phán.
Nhưng, nếu không phân biệt rạch ròi nơi chốn, trường hợp phát sinh lòng ham muốn đó, nếu mức độ ham muốn tiền bạc vượt quá giới hạn và nếu lầm lẫn mục đích tìm kiếm tiền bạc thì sẽ dẫn tới việc chạy theo đồng tiền trái đạo lý, và khi đó dục vọng sẽ trở thành thói xấu: thói tham lam.
Có một đạo lý làm ranh giới để phân biệt dục vọng tiềm ẩn ham thích tiền bạc có là thói xấu hay không. Nếu không vượt qua ranh giới này thì được coi là tiết kiệm, hợp lý và là đức tính tốt được khen ngợi mà con người thực sự phải nỗ lực.
Cũng tương tự như vậy khi đề cập đến sự xa xỉ. Để kết luận là thói xấu hay không, phải xem xét dựa trên việc người ta có sống đúng với thực chất của mình hay vượt quá địa vị, năng lực của chính họ.
Mong có tấm áo lành để mặc, mong có ngôi nhà thoáng mát khang trang để ở là dục vọng đương nhiên của con người. Vậy thì tại sao lại coi đó là xa xỉ, là thói xấu.
Tích lũy tiền bạc, chi tiêu chừng mực, sống đúng với địa vị của mình phải được coi là điểm tốt của con người chứ, sao lại coi đó là keo kiệt, bủn xỉn?
Ngoài ra, giữa gièm pha và phê phán thì ranh giới chỉ như sợi tóc. Gièm pha là việc nói xấu và chê bai người khác. Phê phán là sự nhận định về những cái dở và phê bình người khác trên cơ sở đạo lý mà mình tin.
Tuy vậy, khi chưa tìm ra được cái đúng tuyệt đối trong xã hội, khi trong cuộc sống “chính nghĩa mang tính tuyệt đối” vẫn chưa tồn tại thì khó có thể phán định ngay đúng sai, hay phải trái của một vấn đề bàn luận. Vì lẽ đó, mới thấy người này gièm pha người khác lập tức quy kết cho anh ta là kẻ thất đức thì thật vô lý. Khi quy kết việc tranh cãi là sự gièm pha, hay là sự phê phán nghiêm túc về một vấn đề thì phải tìm cho ra chính nghĩa mang tính tuyệt đối, chân lý mang tính phổ biến trong cuộc sống trước đã.