Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Thứ nhất, hoạt động của con người có sự nặng nhẹ, to nhỏ khác nhau. Diễn kịch cũng là hoạt động của con người. Học tập cũng là hoạt động của con người. Việc kéo xe tay, việc lái tài hỏa, việc cầm cày cuốc làm ruộng, việc cầm bút sáng tác… cũng đều là hoạt động của con người.
Nhưng đều cùng là hoạt động của con người, vì sao người ta không thích nghề đóng kịch mà lại thích trở thành học giả, người ta không thích nghề kéo xe tay mà lại thích học kỹ thuật điều khiển tàu, người ta kêu ca công việc nhà nông và ao ước được theo nghiệp sáng tác để trở thành nhà thơ, nhà văn?
Đó là do người ta phân biệt hoạt động của con người theo kiểu việc to tát, việc nhỏ nhặt, việc nặng, việc nhẹ. Người ta thường không thích làm những việc bị coi là nhỏ vặt, mà muốn theo làm những việc được cho là to tát. Có thể nói đó là hành vi cầu tiến bộ, hành vi mong muốn vươn lên ở con người.
Tại sao con người lại cứ muốn chọn lựa như vậy? Đó là do cái Tâm và do cái chí của bản thân người đó. Người có tâm huyết và ý chí là người cao thượng. Vì thế, con người cần có tấm lòng cao thượng. Người không có tấm lòng cao thượng thì sẽ không có hành động cao thượng.
Thứ hai, hoạt động của con người được coi là to lớn hay nhỏ nhặt tùy thuộc vào mức độ có ích cho xã hội, chứ không phụ thuộc vào độ khó dễ của nó. Ví dụ như độ khó khi nghiên cứu các thế cờ vây, cờ tướng không thua kém các môn học như thiên văn, địa lý toán, cơ khí… Nói như vậy, nhưng nếu đem so sánh sự to lớn hay nhỏ bé trên phương diện có ích cho xã hội thì sẽ khập khiễng.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng để có thể nhận biết việc nào là có ích, việc nào là vô dụng, và để làm được các công việc có ích thì cần phải có năng lực phán đoán. Vì vậy nếu năng lực phán đoán không chính xác thì có bỏ ra bao công sức nhọc nhằn cũng không mang lại kết quả gì, công lao thành công cốc.
Thứ ba, phải biết kiềm chế hành động của mình. Đồng thời hành động phải đúng lúc và đúng chỗ.
Ví dụ, đạo đức rất quan trọng, nhưng đang giữa bữa tiệc tùng vui vẻ lại đột nhiên đứng lên thuyết giảng vể đạo đức thì hành động đó sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ. Hoặc như tại giảng đường nếu tranh luận kịch liệt về một vấn đề nào đó thì rất hay, nhưng nếu các bạn sinh viên lại đem điều đó ra tranh luận trong các dịp họp mặt gia tộc, họp mặt phụ nữ hay trẻ em thì hành động đó sẽ bị coi là gàn dở.
Để biết phân biệt đúng chỗ, đúng lúc và biết kiềm chế hành động quả thật là phải dựa vào năng lực phán đoán. Hành động năng nổ nhưng thiếu năng lực phán đoán cũng chẳng khác nào tàu hỏa quên lắp động cơ, thuyền bè quên lắp bánh lái vậy. Đã không mang lại ích lợi gì mà vô hình trung lại trở thành hành động phá hoại.
Thứ tư, có năng lực hành động nhưng không biết suy tính thấu đáo sẽ gây tác hại; ngược lại, suy nghĩ tuy cao cả vĩ đại, nhưng không có năng lực hành động thì lại càng tệ hại hơn. Những người có suy nghĩ cao cả vĩ đại nhưng năng lực hành động nghèo nàn thường hay than thân trách phận. Nào là công việc mình định làm thì bị người ta làm trước cả rồi. Nào là công việc đó không bõ làm vì không phù hợp, không đúng như suy nghĩ. Chẳng qua họ đang biện hộ cho sự thiếu năng lực hành động của chính họ mà thôi.
Thay vì tự trách mình, họ lại đi phê phán chê trách người khác. Họ kêu ca không gặp thời, số phận hẩm hiu. Cứ như là chẳng còn việc gì đáng làm trong xã hội. Họ quay lưng lại với đời, nghĩ quẩn lo quanh. Miệng thì suốt ngày ca cẩm, mặt thì tỏ ra bất mãn, tự cô lập mình. Họ coi mọi người xung quanh đều là kẻ thù và cả xã hội đều muốn vùi dập mình. Có trường hợp như bị thần kinh, chưa cho ai vay tiền bao giờ mà gặp ai cũng nghĩ là người đó vay tiền mình không chịu trả. Các nhà Nho học ưu phiền vì không được người đời biết đến. Học sinh lo lắng vì không được ai nâng đỡ. Quan chức âu sầu vì không có nơi bấu víu để lên quan chức cao hơn.Thương nhân cảm thấy việc làm ăn thất bát. Võ sĩ cảm thấy mất đường sống. Quan chức rời bỏ công sở cảm thấy buồn vì không còn được kính trọng. Ở những người này, suốt ngày toàn là ưu tư, không sao thấy một thú vui nào.
Những kẻ bất mãn như thế đầy rẫy trong xã hội.
Nếu cho rằng tôi nói hơi quá, làm gì đến mức độ đó, hoặc giả đòi tôi đưa ra bằng chứng, thì chẳng cần nhìn đâu xa, cứ để tâm nhìn co kỹ các bộ mặt của những người xung quanh là rõ. Ít gặp ai hân hoan, vui vẻ, hạnh phúc trong lời nói, trong cử chỉ, trong tâm khảm. Toàn là những khuôn mặt tối tăm trĩu nặng như gặp bất hạnh cả. Chẳng phải là cám cảnh lắm sao?
Đối với những người này, cần cho họ làm những công việc phù hợp với năng lực hành động thì tự khắc họ sẽ trở lại trạng thái bình thường. Họ sẽ tìm thấy niềm vui trong công việc. Cuối cùng là suy nghĩ và hành động của họ sẽ thống nhất là một. Tuy vậy, bản thân họ hoàn toàn không tự cảm nhận được. Năm tháng trôi qua, hành dộng chỉ dừng lại ở mức thấp kém, mà lý tưởng thì cứ cao vời vợi. Năng lực hành động chỉ có một mà cứ đòi thực hiện lý tưởng gấp mười lần, không thực hiện được thì chìm trong ưu tư phiền muộn: nào là muốn làm tượng Phật biết chạy, nào là muốn biến người bị bệnh tê liệt thần kinh thành người mẫn cảm… Chúng ta có thể hình dung được sự bất mãn, kêu ca của họ.