Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

Mới đây ở trường Keio chúng tôi có một vụ việc.
Số là, từ năm kia trường chúng tôi được nhà quý tộc Ota Sukeyoshi tài trợ cho một khoản tiền để thuê một người Mỹ sang giảng dạy. Hết hạn hợp đồng, ông ta về nước. Chúng tôi tìm được người khác sang thay và đã thỏa thuận xong với người mới về mọi điều khoản.
Nhà quý tộc Ota bèn gửi đơn đến Bộ Giáo dục ở Tokyo, đề nghị chấp thuận cho người Mỹ này đang có mặt tại trường giảng dạy về Văn học Mỹ. Thế nhưng, theo quy chế mà bộ giáo dục ban hành thì “không chấp nhận cho các giảng viên người Mỹ nếu không xuất trình được bằng tốt nghiệp khoa học tại Mỹ cho dù chi phí thuê là do cá nhân tài trợ cho trường tư thục”. “Người Mỹ này không xuất trình bằng tốt nghiệp nên Bộ không thể cho phép ông ta giảng dạy về Văn học Mỹ. Còn nếu dạy tiếng Anh thì được”.
Tokyo đã phúc đáp thư thỉnh cầu của nhà quý tộc Ota như trên.
Thấy vậy, tôi bèn viết đơn để gửi lên Bộ để trình bày cụ thể hơn. Trong đơn tôi viết: “Quả thật người Mỹ này không có bằng tốt nghiệp theo yêu cầu của Bộ, nhưng chúng tôi xét thấy năng lực của ông hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu giảng dạy cho học sinh của nhà trường nên chúng tôi mong Bộ cấp phép. Nếu chúng tôi ghi trong đơn đề nghị’ông ta sang Nhật để dạy ngoại ngữ’ thì mọi việc sẽ xong. Nhưng trường của chúng tôi vốn có nhu cầu học về Văn học Mỹ nên chúng tôi mới viết đơn đề nghị chính thức. Vả lại, dối trá với quý Bộ bằng cách xin một đằng làm một nẻo thì lương tâm của chúng tôi lại càng không cho phép”. Nhưng bộ vẫn giữ nguyên tắc của mình và trả lại toàn bộ hồ sơ đề nghị của tôi.
Chẳng còn cách nào khác, chúng tôi phải xin lỗi và không thể tuyển dụng người Mỹ ấy. Cuối tháng Mười hai năm ngoái, ông ta trở về Mỹ. Kế hoạch giúp đỡ trường của quý tộc Ota vì thế cũng tan thành mây khói. Hàng trăm học sinh cũng mất hết hy vọng.
Thực ra, không chỉ riêng trường tư thục của tôi bị ảnh hưởng mà phải nói rằng quyết định của Bộ là rào cản nặng nề cho nền giáo dục của cả đất nước. Bao công sức trở nên vô tích sự. Sự tức giận vì những quy định ngu ngốc trào lên trong chúng tôi. Nhưng vì đó là nguyên tắc, luật pháp nên phải tuân thủ, không thể làm khác. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tực gửi đơn đề nghị.
Chỉ riêng việc này, trường chúng tôi họp đi họp lại cả chục lần. Đa số ý kiến nghiêng về việc xóa chữ Văn học, thay vào đó là chữ ngoại ngữ. Làm như vậy cũng chỉ vì lợi ích của học sinh thôi chứ có làm gì xấu đâu…
Kết cục là trường chúng tôi không thể thuê được giảng viên. Cho dù việc đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến Hội và học sinh nhà trường nhưng không thể vì thế mà chúng tôi lừa gạt cơ quan công quyền. Để đạt được mục đích mà phải đối trá thì thật đáng hổ thẹn vì chúng ta là những học giả chân chính, những người sống luôn tuân thủ pháp luật. Phương sách tối ưu là không làm sai bổn phận cơ bản của quốc dân một nước. Và cũng vì thế mà dẫn tới quyết định như tôi kể ở trên.
Trên đây là một ví dụ liên quan tới việc giải quyết chuyện học hành ở một trường tư thục. Đọc tới đây, các bạn có thể cho là tưởng chuyện gì ghê gớm chứ sự việc cỏn con thế này không đáng bàn luận. Nhưng nếu chúng ta cùng cảm nhận nguyên nhân của sự việc thì tôi nghĩ là nó hệ trọng tới cả một nền giáo dục quốc gia.
Với chủ ý đó tôi xin được kết thúc bài viết này ở đây.
Tháng Hai năm Minh Trị thứ bảy
(tức năm 1874)